Banner

 
 

Search Article

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN

TIN TỨC - SỰ KIỆN

Văn bản nông thôn mới

Bộ tiêu chí

Cơ sở dữ liệu

Hệ thống bảng biểu báo cáo

Thông tin cần biết

Hiển thị nội dung bài viết

Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 tại cuộc họp tổng kết chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020

11/03/2020
03:11:00
1308

Ngày 19/02/2020, UBND tỉnh tổ chức họp Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 để đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2019, kế hoạch thực hiện năm 2020, do đồng chí Trần Công Thuật - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình.

Sau khi nghe đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn năm 2019 và nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp thực hiện năm 2020; ý kiến tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh kết luận:

I. Về tình hình Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới & Chương trình Mỗi xã một sản phẩm năm 2019:

Năm 2019, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên ở các cấp, với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực. Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo cả về điểm và diện. Đến nay, toàn tỉnh đạt trung bình 16,1 tiêu chí/xã, cao hơn 0,4 tiêu chí/xã so với cả nước; có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 53,7% số xã; không còn xã nào dưới 05 tiêu chí; đã tập trung chỉ đạo các tiêu chí về chất như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn có một số hạn chế như: vẫn còn 04 xã đã đạt chuẩn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; trong 12 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2019, còn 01 xã Trung Hóa chưa đạt chuẩn; trong 07 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, chỉ có xã Quang Phú và xã Bảo Ninh gần đạt xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Các xã còn lại số tiêu chí còn nhiều; môi trường nông thôn, đặc biệt là rác thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để; tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, tệ nạn xã hội được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân chưa thực sự bền vững; phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu trầm lắng; việc xã hội hóa trong thực hiện chương trình còn nhiều hạn chế…

Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 28 sản phẩm được tham gia đánh giá phân hạng, vượt 12 sản phẩm so với kế hoạch 2019 (tối đa 16 sản phẩm), đạt 47,4% so với mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020, trong đó có 25 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh, 24 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh…

II. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, trong thời gian tới, các ngành, các cấp, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

2.1. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn về nội dung, ý nghĩa của chương trình; tuyên truyền về vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong xây dựng nông thôn mới từ đó nâng cao nhận thức, phát huy nội lực của nhân dân, huy động nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình; tuyên truyền vào những nội dung cốt lõi, khác biệt, những cách làm hay, sáng tạo, đưa các nội dung xây dựng nông thôn mới vào quy ước, hương ước để tạo phong trào thi đua mạnh mẽ giữa các địa phương.

2.2. Nghiêm túc tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, không làm theo phong trào, không xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, các phòng, ban phụ trách các công tác liên quan đến xây dựng nông thôn mới.

2.3. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa để họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đây là một tiêu chí hết sức quan trọng, là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình. Làm tốt được nội dung này là thể hiện sự thay đổi về chất, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

2.4. Đối với các xã đạt chuẩn cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

2.5. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí mới cần khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí bị sụt giảm, chậm nhất trong Quý I năm 2020 phải hoàn thành.

2.6. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2020: Phấn đấu trong năm 2020 có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 10 xã tỉnh chỉ đạo, 02 xã các huyện đăng ký thêm và 01 xã Trung Hóa trong năm 2019 chưa đạt). Trong thời gian tới, UBND các huyện, thị, xã, thành phố và các sở, ngành được phân công phụ trách các xã cần tập trung chỉ đạo. Ưu tiên phê duyệt các thủ tục liên quan để các xã sớm về đích theo mục tiêu đề ra. Các xã phấn đấu đạt chuẩn chủ động rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng lộ trình và khẩn trương triển khai các tiêu chí chưa đạt, đối với hạng mục có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công dài cần khẩn trương triển khai sớm.

2.7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu nông thôn mới khi đáp ứng đủ yêu cầu.

2.8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ban, ngành đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra việc phân khai, giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ; cân đối nhu cầu các địa phương và nguồn lực của tỉnh để tham mưu bố trí vốn hợp lý.

2.9. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, UBND các huyện, thị xã rà soát, đánh giá lại mức độ đạt chuẩn, số xã đạt chuẩn sau khi thực hiện sắp xếp lại các xã, phường trên địa bàn, tổng hợp, tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh để có phương hướng chỉ đạo.

2.10. Các Sở, Ban, Ngành, đơn vị liên quan: Rà soát lại các Bộ tiêu chí, tiêu chí nông thôn mới để ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm đánh giá, thực hiện và công nhận đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới thuộc phạm vi quản lý của ngành; phối hợp với các địa phương trong chỉ đạo, điều hành, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí do ngành mình phụ trách. Tập trung phối hợp với các địa phương, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các nội dung công việc, tiêu chí liên quan đến ngành mình đảm bảo tiến độ đề ra.

2.11. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong cấp ủy phụ trách, chỉ đạo cụ thể từng xã trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, coi đây là tiêu chí đánh giá công tác cán bộ cuối năm.

- Tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung kiểm tra, rà soát kỹ trước khi tổng hợp, đề xuất danh mục công trình của các xã để báo cáo lên cấp trên xem xét quyết định; tránh tình trạng sau khi chủ trương đầu tư vừa được phê duyệt xong, lại phải đề xuất điều chỉnh, bổ sung gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Cân đối tỷ lệ điều tiết ngân sách giữa các xã để hỗ trợ các xã có điều kiện khó khăn xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ UBND các xã hoàn thành thủ tục đầu tư, giải ngân, thanh toán theo đúng quy định, không để phát sinh nợ đọng XDCB. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để phân bổ cho các xã thực hiện theo đúng quy định và theo nguyên tắc giảm dần dư nợ xây dựng cơ bản theo Chỉ thị của Chính phủ và UBND tỉnh.

2.12. Đối với thực hiện Chương trình OCOP năm 2020, các sở, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ sau:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 3989/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo Đề án đã phê duyệt.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chủ thể sản xuất và người dân từ đó thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức hội nghị Ban chỉ đạo cấp huyện trong Quý I/2020 để triển khai Chương trình OCOP năm 2020; tiếp nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, triển khai kế hoạch 2020 kịp chu trình OCOP. Hoàn thành tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện trước ngày 30/9/2020.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương liên quan biết, triển khai thực hiện.

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Bình

[Trang chủ]